‘Thủ phủ’ hoa hồng ở Quảng Ngãi
Chừng chục năm trở lại đây, nghề trồng hoa hồng phục vụ Tết Nguyên đán được hình thành, phát triển mạnh ở xã Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa), biến nơi đây thành ‘thủ phủ’ hoa hồng và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.
Gọi là “thủ phủ” bởi xã Nghĩa Hiệp hiện là địa phương cung ứng hoa hồng chủ yếu cho thị trường tiêu thụ ở Quảng Ngãi. Đây là cũng là nơi có nhiều hộ trồng hoa hồng với quy mô lớn.
Nghĩa Hiệp được xem là “thủ phủ” của hoa hồng.
Vụ hoa Tết năm nay, gia đình ông Bùi Trai (thôn Hải Môn ) trồng hơn 500 chậu hoa hồng để cung ứng cho thị trường. “Thông thường, vào khoảng tháng 4 hàng năm người dân bắt đầu trồng hoa hồng. Trước đó hoa được chiết ra và chăm sóc cho ra rễ. Sau khi trồng khoảng 1 tháng thì có lứa hoa đầu tiên và định kỳ hàng tháng tiếp tục ra hoa. Các lứa hoa này sẽ được ngắt bỏ để cây tiếp tục đâm chồi, phát triển sao cho đúng vào dịp tết có nhiều nụ và nhiều hoa nhất”, ông Trai cho biết.
Những lứa hoa không đúng vụ sẽ bị ngắt bỏ.
Theo nghề trồng hoa hồng đã hơn chục năm, ông Trai cho biết: đây là nghề khá vất vả, tỉ mỉ nhưng bù lại, cho thu nhập rất khá. Nhẩm tính 500 chậu, với giá bán khoảng 150.000 đồng một chậu, sau khi trừ chi phí thì có thể mang lại thu lãi hơn 50 triệu đồng.
Tại thôn Hải Môn, quy mô trồng hoa hồng như nhà ông Bùi Trai vẫn là khiêm tốn. Trong thôn còn có nhiều hộ trồng với quy mô từ 1.000 chậu trở lên, sử dụng hàng chục lao động để nhổ cỏ, bón phân, tưới nước.
Gia đình bà Mạc Thị Nữ có hơn 1.000 chậu hoa hồng đang được tích cực chăm sóc để. Ngoài việc bán hoa phục vụ tết, gia đình bà Nữ còn bán giống hoa cho các những khách hàng có nhu cầu.
Hoa hồng giống do người dân tự sản xuất.
“Người dân nơi đây trồng nhiều loài hoa hồng để phục vụ Tết Nguyên đán cho khách hàng trong tỉnh và nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước. Phần lớn các hộ gia đình ở xã cũng tự sản xuất giống hoa hồng, chủ động chiết cành, nuôi ra rễ rồi cho vào chậu để nuôi lớn dần hoặc để bán giống”, bà Nữ cho biết.
Theo người trồng hoa ở Nghĩa Hiệp, chất đất và khí hậu ở địa phương rất thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp, nhất là trồng hoa. Do đó, nghề này trở thành một trong những ngành nghề truyền thống được duy trì và phát triển trong nhiều năm qua, đem lại nguồn thu tương đối lớn cho người trồng hoa, góp phần xóa đói giảm nghèo một cách hiệu quả.
Nghề trồng hoa hồng đang có hướng phát triển.
Theo ông Trần Văn An- Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp, trên địa bàn xã hiện có đến hơn 500 hộ trồng hoa Tết, với nhiều chủng loại khác nhau, phổ biến và hoa hồng, hoa cúc. Số lượng mỗi hộ trồng ít nhất là 400 chậu. Hoa hồng dù được trồng ít phổ biến như cúc nhưng gần đây có bước phát triển, phổ biến ở các thôn Đồng Viên, Hải Môn.
“Hiện có khoảng hơn 20 hộ gia đình trồng hoa hồng, dù ít người trồng nhưng gần đây đang phát triển theo hướng các hộ gia đình tự mở rộng quy mô. Đây cũng đang là nghề mang lại thu nhập cao, giúp cải thiện đời sống, phát triển kinh tế cho người nông dân”, ông An chia sẻ.
Để nghề hoa trồng hoa hồng cũng như các loại hoa khác phát triển, theo chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp, thời gian qua, địa phương đã phối hợp mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, sử dụng phân bón cho người nông dân.
Theo Nghiêm Hà/ Kinh Tế Đô Thị