Ngôi trường được xây từ di nguyện của vị đại tá về hưu
Một bà lão đi vào điểm trường mầm non xã Tịnh Thọ (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), bọn trẻ và giáo viên ùa ra chào. Xúc động, bà lão nhớ về chồng, đại tá Hà Đức Thạnh, người trước khi mất đã dặn dò con cháu lấy tiền phúng điếu xây ngôi trường này.
“Tôi thấy ông ấy ở đây, người chồng, người đồng chí cả đời gắn bó, cùng tôi trải qua tất cả những cuộc chiến trong đời một con người” – bà Trần Thị Hồng Tâm (79 tuổi, TP Quảng Ngãi) tâm sự.
“Trăng trối cuối cùng trước lúc mất, ba tôi dặn xây trường cho bọn trẻ. Bốn chị em tôi đều nhất trí và hứa với cha sẽ hoàn thành di nguyện đó. Ông ra đi thanh thản khi nghe chúng tôi hứa.” – Anh Hà Đức Thắng kể lại.
Di nguyện của người lính
Những ngày cuối đời, khi sức khỏe yếu hẳn, đại tá Thạnh đón nhận cái chết bằng tinh thần thép của một người lính trải qua trận mạc. Nhưng mỗi lần nhắc đến điểm trường Tịnh Thọ, đôi mắt ông lại đỏ hoe.
Thấy chồng buồn, bà Tâm cứ nghĩ ông đang lo cho số mệnh của mình. Nhưng không, “ông ấy bảo chết thì ai chẳng chết, sợ thì đã không chọn nghiệp lính. Nhưng nguyện vọng của tôi là xây cái trường cho tụi nhỏ ở đó học cho tươm tất, giờ sắp qua đời vẫn chưa làm được. Mấy nay tôi nghĩ rồi, khi tôi mất bà nói các con lấy tiền phúng điếu thay tôi xây trường được không?” – bà Tâm kể.
Lũ trẻ mầm non vây lấy cụ Tâm, chúng ngây ngô chẳng thấy được đôi mắt đầy tâm sự của người bà thường tới lui cho quà bánh. Những câu hỏi trẻ con khiến bà vui, nhưng rồi suy tư lại tìm đến rất nhanh sau đó. “Tánh ổng kỳ, đến chết vẫn còn lo nghĩ chuyện thế sự” – bà Tâm trải lòng.
Với bà Tâm, mỗi lần đến trường, nỗi nhớ chồng càng chan chứa thêm. Bà tự hào vì những gì ông đã làm được trong suốt đời mình.
Ông Thạnh tham gia cuộc chiến vệ quốc từ khi còn là một cậu thanh niên. Khắp các chiến trường Quảng Ngãi này đã in dấu chân ông cùng đồng đội. Ở vai trò người lính hay chỉ huy, đại tá Thạnh đều thể hiện sự mưu lược và gan dạ.
Trong trận đánh Ba Gia nổi tiếng, ông Thạnh lao thẳng về phía giặc và bị dính quả bom napan, gần như toàn bộ cơ thể bị bỏng, phải đưa về tuyến sau cứu chữa. Khi lành lặn trở lại, dù được “ưu tiên” lui về tuyến sau, ông vẫn tiếp tục cầm súng ra trận.
“Cơ thể ổng thương tích nhiều lắm, bên trong bên ngoài đều có cả” – bà Tâm bùi ngùi kể.
“Lệnh cha” và tấm lòng của các con
Anh Hà Đức Thắng – con trai đại tá Thạnh – bảo rằng di nguyện của cha anh như mệnh lệnh đối với các con. Từ nhỏ, anh đã quen thuộc với những câu chuyện chiến tranh cha kể, tính cách lính, sống mở lòng và bao dung, mạnh mẽ trước cường địch và ân cần với người dân. Tính cách của người cha ảnh hưởng đến anh Thắng rất nhiều.
“Trăng trối cuối cùng trước lúc mất, ba tôi dặn xây trường cho bọn trẻ. Bốn chị em tôi đều nhất trí và hứa với cha sẽ hoàn thành di nguyện đó. Ông ra đi thanh thản khi nghe chúng tôi hứa” – anh Thắng nói.
Đám tang diễn ra, rất nhiều đồng đội, người dân đến dự. Nhiều chiến hữu tìm đến tiễn biệt vị đại tá mà không ngại tuổi cao đường sá xa xôi. Tiền phúng điếu gần 900 triệu đồng, cộng thêm tiền lương hưu người đại tá già tích cóp được khoảng 1,2 tỉ đồng. Bà Tâm giao lại cho con bà, để họ tính toán xây trường như cha dặn.
Mọi thủ tục xin phép hoàn tất, ngày 15-11-2018, ngôi trường gồm hai phòng học chính và đầy đủ dụng cụ học tập, sân chơi được khánh thành, đón những đứa trẻ đầu tiên. Ngoài số tiền 1,2 tỉ đồng của cha, bốn người con tự nguyện góp thêm cả tỉ đồng nữa để xây trường. Biết ơn tấm lòng của vị đại tá và gia đình ông nên nhà trường quyết định đặt bảng tri ân ngay trước cổng, đề “Công trình Trường mầm non Tịnh Thọ được gia đình bác Hà Đức Thạnh xây dựng – kính tặng”.
Tháng 4 là mùa của hòa bình, không có chiến tranh và cái chết, ở vùng đất này chỉ có niềm vui của những đứa trẻ mầm non. Linh hồn người đại tá già có lẽ cũng đang vui, bởi di nguyện của ông đã trở thành sự thật.
Những đau thương vì chiến tranh của thế hệ trước nằm lại trong lịch sử. Còn giờ, bọn trẻ có một ngôi trường đầy đủ để vui chơi, học tập. Mỗi ngày, ngoài học chữ, chúng còn được cô giáo cho biết ngôi trường được xây dựng từ đâu.
Chết không hẳn là hết…
Cô giáo Lê Thị Kim Dung chia sẻ: “Nơi đây chỉ là điểm trường lẻ, ngày trước chỉ có hai phòng rất nhỏ. Nhờ gia đình bác Thạnh giúp đỡ mà các cháu có chỗ học khang trang, không chỉ sạch mà còn đẹp nữa. Nhiều trường khác thấy vậy tìm đến tham quan như là điểm trường chính vậy”.
Bà Tâm vẫn đều đặn cùng các con ghé thăm, thấy thiếu vật dụng gì phục vụ học tập và sinh hoạt, các con bà lại góp tiền mua và mang đến trường. Mới đây nhất là hai máy lọc nước sạch. Trước đó là cầu trượt, tủ đựng sách vở, vật dụng học tập. Trước nữa là đu quay, nhà banh có mái che…
Bà Tâm bảo: “Tính chồng tôi lúc còn sống chu đáo lắm, làm cái gì cũng phải theo dõi, tu bổ để bền lâu và phục vụ được nhiều người. Tôi luôn dặn các con không chỉ thực hiện di nguyện của cha mà phải theo di nguyện ấy cả đời mình”.
Khi cùng các con rời khỏi trường, bà Tâm cứ quay mặt lại nhìn trường như muốn tìm kiếm điều gì đó. Cô Dung bước đến ôm chầm lấy bà rồi nói: “Con cảm ơn bác gái và các anh chị nhiều. Con nghĩ bác trai cũng đang vui, nên bác gái phải vui lên, vui mới khỏe được để mà còn về trường thăm bọn trẻ và tụi con nhiều lần nữa”. Bà Tâm đáp lời: “Mỗi lần về đây, bác có buồn đâu, chỉ là nhìn trường mà thấy nhớ ổng thôi…”.
Chết là hết, nhưng đại tá Thạnh đã kịp để lại cho cuộc đời một món quà đáng quý dành cho thế hệ tương lai của đất nước…
Làm sân chơi cho thiếu nhi
Ngoài xây dựng Trường Tịnh Thọ, gia đình bà Tâm còn đóng góp để xây dựng sân chơi ngoài trời cho trẻ em ở xã Nghĩa Trung (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi).
Chị Hà Thị Phương Thảo – con gái út đại tá Thạnh – chia sẻ: “Sau ngôi trường xây theo di nguyện của cha, cả gia đình còn mong muốn tiếp tục làm thêm những công trình khác phục vụ sinh hoạt cộng đồng ở những nơi khó khăn. Cha tôi mất đi nhưng vẫn dạy cho anh em chúng tôi về sự sống và ý nghĩa của đời người”.
Theo: Tuoitre.vn