Quảng Ngãi: Những thiếu nữ làm mẹ khi còn ngồi trên ghế nhà trường
Tan học ở trường, em P.T.C vội vã về nhà… chăm con. Lời ru của nữ sinh vùng cao Quảng Ngãi chất chứa nỗi buồn, sự lo toan về tương lai khi làm mẹ ở độ tuổi học trò.
Năm lớp 10, cha mẹ buộc P.T.C. kết hôn. Cùng năm đó, cô bạn cùng lớp tên L. cũng theo chồng. Đám cưới của C. và L. diễn ra chóng vánh khiến thầy cô và chính quyền địa phương không kịp trở tay.
C. có học lực tốt, thành tích học tập luôn vượt trội so với những bạn cùng khóa tại trường THPT Ba Tơ (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi). Đam mê con chữ nên C. tìm mọi cách tiếp tục đến trường sau khi cưới. Còn cô bạn cùng lớp tên L. đã “bỏ cuộc chơi” ngay sau khi kết hôn.
Năm nay, C. đang học lớp 12, cô cũng trở thành bà mẹ một con. Ít ai nghĩ, cô học trò trông ốm yếu ấy đã làm mẹ.
C. không muốn nói về cuộc hôn nhân của mình. Bởi C. muốn đi học, em biết việc kết hôn sớm là sai nhưng phải làm theo lời cha mẹ.
“Hồi xưa mình cũng có vợ sớm. Lúc trước thế nào thì bây giờ cứ thế mà làm. Nó lớn rồi nên cho lấy chồng, sinh con thôi”, ông P.V.T. (cha C.) nói.
Phó Hiệu trưởng trường THPT Ba Tơ, cô Đinh Thị Ái Ly thở dài, thầy cô đã vận động, giải thích rất nhiều nhưng tình trạng kết hôn sớm vẫn diễn ra. Các em đã hiểu tảo hôn là không đúng, tuy nhiên các em chưa thể vượt qua được tục lệ của làng.
Hầu như đám cưới của các em được tổ chức chớp nhoáng, khi mọi người biết thì mọi chuyện đã rồi. Phần lớn các em sẽ bỏ học sau khi kết hôn để chăm sóc con, gia đình.
“Đến kỳ nghỉ hè, Tết, mùa lễ hội là thầy cô lại lo lớp sẽ “vơi” đi vài học sinh. Số bỏ học đi làm ăn, số khác kết hôn. Nghỉ học có nghĩa là tương lai của các em lại tiếp tục quanh quẩn với núi rừng”, cô Ly chia sẻ.
Nếu tính vào thời điểm 2016 thì C. chỉ là 1 trong số 161 cặp tảo hôn trên địa bàn huyện Ba Tơ. Trong 3 năm qua, số trường hợp tảo hôn của huyện miền núi này đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Tính trong 9 tháng đầu năm 2019, toàn huyện ghi nhận 30 cặp tảo hôn.
Theo ông Phạm Văn Dũng – Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Tơ, tình trạng kết hôn khi chưa trưởng thành sẽ dẫn đến câu chuyện đông con, đói nghèo, trẻ em suy dinh dưỡng… Nhiều trường hợp có thành tích học tập tốt, có cơ hội thay đổi cuộc sống bằng con đường học tập cũng đành phải gác lại ước mơ vì tảo hôn.
Theo ông Dũng, thời gian qua, tình trạng tảo hôn đã giảm một cách rõ rệt, đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên để tiến tới chấm dứt tảo hôn là việc không đơn giản.
“Quan trọng nhất là phải thay đổi được suy nghĩ của phụ huynh vùng cao trong việc cho con kết hôn. Cái này phải có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan, phải bám sát địa bàn để kịp thời ngăn chặn những trường hợp tảo hôn”, ông Dũng nói.
Thời điểm trước năm 2016, 6 huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi là Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Tây Trà và Trà Bồng, cùng một số xã miền núi của huyện Bình Sơn, Nghĩa Hành có đến 462 cặp tảo hôn. Đến cuối năm 2018, con số này có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao với 150 cặp tảo hôn.
Theo Quốc Triều/Dân Trí