Giữ “lửa” nghề “đất sét bàn xoay”

Nằm nép mình bên dòng sông Trà Bồng, làng gốm Mỹ Thiện ở thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) – nơi có tuổi nghề hơn 200 năm vẫn đang lưu giữ những nét tinh hoa nghề làm gốm cổ, dẫu cả xưa và nay luôn phải đối mặt bao sóng gió, thăng trầm cùng dòng chảy thời gian.

nghe-nhan-gomVợ chồng nghệ nhân Đặng Văn Trịnh. Ảnh: Lam Uyên

Truyền nhân làng gốm cổ

Men theo con ngõ nhỏ sâu hút ngoằn ngoèo, chúng tôi tìm tới nhà nghệ nhân Ðặng Văn Trịnh – người hiếm hoi vẫn đang bám trụ với nghiệp tổ làm gốm của cha ông. Trên khoảnh đất rộng chừng vài chục mét vuông, la liệt những chum, ché, ghè, vò, bình vôi, ấm trà, lọ hoa… được thiết kế với nhiều mầu sắc, kích cỡ, chủng loại. Dù đã đến thăm nhiều làng gốm nổi tiếng khắp dọc dài đất nước, nhưng mầu men đặc trưng với sắc tím thẳm sâu ngả dần sang xanh, vàng… vẫn khiến chúng tôi ngỡ ngàng. Quan sát sắc men và những họa tiết đắp nổi trên thân gốm, không khỏi liên tưởng đến những hiện vật được trang trí ở những tòa kiến trúc Chăm thường thấy trên dải đất miền trung. Theo các tư liệu cổ ghi lại, làng gốm Mỹ Thiện ra đời từ khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Người có công khai mở là ông Phạm Công Ðắc và Nguyễn Công Ất. Khi các ông di chuyển từ Thanh Hóa vào phía nam lập nghiệp đã đi qua vùng đất Mỹ Thiện ở huyện Bình Sơn. Nhận thấy đây là nơi có địa thế đẹp, một bên tựa vào núi đá, một bên tựa vào dòng sông Trà Bồng thơ mộng, thông ra cửa biển Sa Cần, thuận lợi về giao thương cho nên đã quyết định chọn nơi này để dựng những lò nung đầu tiên, phát triển nghề gốm Mỹ Thiện hưng thịnh một thời. Những sản phẩm gốm nơi đây với kỹ thuật tạo tác tinh xảo từng được Chúa Nguyễn dùng và sử dụng làm tặng vật. Gốm Mỹ Thiện theo đường sông, đường biển, đường bộ đã đến với nhiều tỉnh, thành phố trên đất nước như Quảng Nam, Ðà Nẵng, Nghệ An, Bình Ðịnh…, những tỉnh Tây Nguyên xa xôi, và sang cả các nước bạn như Lào, Cam-pu-chia, Thái-lan…

Cái bắt tay nồng hậu chào đón khách của nghệ nhân Ðặng Văn Trịnh lập tức khiến chúng tôi cảm nhận được sự thô sần chai ráp nhưng đầy năng lượng từ đôi tay của một người đã có gần 40 năm lăn lộn cùng đất, cùng lửa của nghề gốm. Là truyền nhân đời thứ tư trong một gia đình có truyền thống làm gốm, ngay từ khi còn nhỏ, ông Trịnh đã theo ông nội và cha mình học hỏi kỹ thuật làm gốm. Ông nói, cái hay của gốm Mỹ Thiện là được sản xuất hoàn toàn thủ công với kỹ thuật bàn xoay. Nguyên liệu chính là đất sét đã được lọc kỹ tạp chất và nhào cho nhuyễn, mịn, tạo hình xương gốm, phủ men… đem nung ở nhiệt độ cao khoảng hơn 1.000oC nên độ bền của sản phẩm gốm rất cao. Quy trình để thực hiện một sản phẩm phải trải qua nhiều bước cơ bản như: nhồi đất, tạo hình, trang trí họa tiết rồi mới đưa vào lò nung. Không như những dòng gốm khác thường khắc chìm hoa văn trên sản phẩm, gốm Mỹ Thiện bắt mắt bởi những họa tiết đắp nổi, phổ biến là hình ảnh rồng, phượng, trúc, chuột, hoa lá… Ðặc biệt phải kể đến tuyệt kỹ trong việc tạo nên những sắc men khác biệt ở từng sản phẩm. Nghệ nhân Trịnh cho biết, men gốm Mỹ Thiện được tạo ra từ sự kết hợp của các loại đá núi trong vùng với một số nguyên liệu khác như đồng, vỏ ốc… và được pha chế theo bí quyết gia truyền của nhiều thế hệ làm gốm nơi đây. Nhưng điều độc đáo là sắc men này còn có thể “hỏa biến” dưới tác động của ngọn lửa nung theo từng hướng khác nhau, cho nên có thể được thiết kế cùng tiêu bản song từng sản phẩm vẫn mang những men mầu khác biệt như tím ngả xanh lam, hay ngả sang sắc nâu, vàng cánh gián… Cái tài tình của người nghệ nhân là phải biết làm chủ ngọn lửa để có mầu men như ý. Bên cạnh đó, phải nói đến kỹ thuật nung. Sản phẩm nào cũng phải trải qua hai lần lửa. Lần nung thứ nhất giúp xương gốm chắc khỏe, lần nung thứ hai làm nên sự thay đổi về mầu sắc. Từng lần nung thường kéo dài ba ngày ba đêm… Thế mới biết, để làm ra một sản phẩm gốm Mỹ Thiện là bao công sức, kỹ thuật và cả sự nhiệt tâm của người thợ.

san-pham-gom-my-thienMột số sản phẩm gốm Mỹ Thiện.

Ðưa chúng tôi đi tham quan quanh lò nung, ông Trịnh chỉ vào một chiếc bình hoa được trang trí tinh xảo, giới thiệu đây là sản phẩm do khách đặt hàng riêng. Ông cho hay, giờ ông và vợ mình – bà Phạm Thị Thu Cúc, người cũng đã gắn bó hơn 30 năm cùng gốm Mỹ Thiện làm cả ngày không hết việc. Họ được mọi người gọi là truyền nhân của làng gốm bởi đang nắm giữ những kỹ thuật, kinh nghiệm làm nên tinh hoa gốm Mỹ Thiện. Song đáng tiếc, họ đang là những truyền nhân cuối cùng còn theo nghề, khi mà hiện tại, chẳng mấy người trẻ trong làng còn mặn mà theo đuổi nghiệp “đất sét bàn xoay”.

Lưu giữ, trao truyền tinh hoa nghề gốm

Ở tuổi gần 60, vợ chồng nghệ nhân Ðặng Văn Trịnh là những người thấm thía hơn ai hết bao sóng gió thăng trầm của làng gốm Mỹ Thiện. Hướng mắt nhìn về nơi xa xăm, ông Trịnh bồi hồi nhớ thời hoàng kim của làng nghề. Thuở ấy, cứ sáng sáng, con đường chạy từ làng ra bến sông lại rộn rã tiếng bước chân, nói cười của dân làng nô nức gồng gánh hàng ra thương thuyền đưa sản phẩm đi muôn nơi. Hàng chục hộ dân theo nghề, lò nung trong làng đỏ lửa quanh năm. Những người nuôi chí phát triển nghề gốm Mỹ Thiện tập hợp nhau lại thành lập nên hợp tác xã gốm. Song chỉ duy trì được khoảng 10 năm vì sản xuất cầm chừng, chi phí nguyên liệu như đất, chất đốt tăng quá cao, lại gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt của mặt hàng nhựa giá rẻ với đa dạng mẫu mã, chủng loại. Nhiều gia đình làm gốm không thể trụ lại với nghề đành chuyển hướng tìm nghề khác. Cuối cùng, chỉ còn duy nhất vợ chồng nghệ nhân Ðặng Văn Trịnh còn bám giữ lấy nghề bởi họ cùng chung tình yêu và đam mê với gốm Mỹ Thiện.

Vừa khéo léo tạo hình gốm trên chiếc bàn xoay, bà Phạm Thị Thu Cúc vừa ngậm ngùi nhớ lại những ngày gian khó. Thuở ấy, có bao vốn liếng là đổ hết vào những mẻ gốm nhưng sản phẩm làm ra không có người mua. Vợ chồng động viên nhau mang sản phẩm ra chợ Châu Ổ và các xã lân cận bán cũng chẳng ăn thua. Thấy nhiều người trong làng bỏ nghề, họ cũng có lúc muốn từ bỏ, nhất là khi có lần bị cơn bão tràn qua khiến lò nung của họ hư hỏng nặng. Bà Cúc có thời gian còn phải đi phụ người ta bán quán để gia đình bớt khó khăn. Nhưng bởi “nghiệp tổ đã vận vào thân”, cho nên họ lại quyết tâm vay mượn, phục hồi lò gốm với sự giúp sức của nhiều người. Họ lặn lội đi đến nhiều tỉnh, thành phố như: Ðà Nẵng, Gia Lai, Bình Ðịnh… để chào hàng. Bên cạnh các sản phẩm gốm truyền thống đa phần được dùng làm đồ gia dụng của Mỹ Thiện, vợ chồng nghệ nhân Ðặng Văn Trịnh còn sáng tạo thêm dòng gốm mỹ nghệ để trưng bày dựa trên kỹ thuật làm gốm truyền thống để phù hợp nhu cầu thị trường. Dần dần, tiếng lành đồn xa, nhiều đơn đặt hàng được gửi đến, gốm Mỹ Thiện lại có cơ hội được sánh bước và khẳng định mình cùng nhiều dòng gốm cổ truyền khác.

Giờ đây, lò nung của vợ chồng nghệ nhân luống tuổi đỏ lửa quanh năm. Mỗi tuần, hàng nghìn sản phẩm gốm lại ra lò để đến với mọi miền đất nước. Nhưng điều khiến những người nặng lòng với gốm Mỹ Thiện trăn trở nhất là chưa nhìn thấy thế hệ tương lai của làng nghề cổ. Ông Trịnh cho biết, cũng đã có một số người trẻ tìm đến xin làm thợ và học nghề, nhưng do cơ sở vật chất để sản xuất còn hạn chế, muốn thành thạo nghề lại cần cả năng khiếu, sự quyết tâm và đầu tư thời gian, cho nên không nhiều người trụ được. “Vợ chồng tôi vẫn đang dành dụm để có thể mở xưởng sản xuất và không gian trưng bày thu hút những người trẻ tìm đến học nghề, cũng để mọi người khi muốn tìm hiểu về gốm Mỹ Thiện sẽ được mục sở thị và được thực hành làm gốm” – nghệ nhân Ðặng Văn Trịnh chia sẻ. Các ban, ngành chức năng của tỉnh cũng đã tìm đến gia đình ông khảo sát và có những hỗ trợ ban đầu để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đồng thời gợi ý đưa làng gốm Mỹ Thiện trở thành điểm du lịch làng nghề đặc sắc. Song thiết nghĩ, để làm sống dậy một làng nghề vài trăm tuổi, cần nhiều hơn nữa sự quan tâm quyết liệt và những hành động thiết thực cần làm ngay, nhất là khi những người đang giữ nghề còn quá ít và cứ thế già dần theo năm tháng…

Rời Châu Ổ với những món quà lưu niệm là sản phẩm gốm Mỹ Thiện trên tay, chúng tôi trầm trồ trước những họa tiết, sắc men tinh xảo, nhưng cũng mang theo những trăn trở về nguy cơ mai một của làng nghề. Và không thôi hy vọng, một ngày không xa, khi trở lại nơi này sẽ nhìn thấy những mầm xanh của sắc gốm Mỹ Thiện, Bình Sơn…

Theo Trang Anh/Báo Nhân Dân

Đánh giá bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button