Cánh đồng lúa, cây cầu tre hay trò chơi kéo mo cau gợi liên tưởng tới những nét đặc trưng của làng quê Việt Nam xưa.
Cánh đồng lúa vàng xã Đức Phong, huyện Mộ Đức vào mùa gặt vụ hè thu. Mộ Đức được biết đến là vựa lúa lớn của tỉnh Quảng Ngãi, với diện tích trồng lúa lên tới 10.000 ha.
Trẻ em chơi kéo mo cau trên đồng lúa xã Đức Tân, huyện Mộ Đức. Địa danh này còn là quê hương của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Làng của người dân tộc Hrê nhìn từ trên cao, thuộc địa phận xã miền núi Sơn Ba, huyện Sơn Hà. Quảng Ngãi có 14 huyện, thành phố, trong đó Sơn Hà và Sơn Tây được cho là nơi có ruộng bậc thang đẹp nhất.
Những thửa ruộng bậc thang trong mùa lúa chín tại xã Sơn Ba. Hầu hết người Hrê sinh sống tại đây làm nông nghiệp theo dạng tự cung tự cấp, chủ yếu là trồng lúa.
Con kênh dẫn nước ở gần ngôi làng của người Hrê.
Sau vụ thu hoạch, người dân gom rơm rạ thành từng đống rồi đem đốt ngay tại thửa ruộng của họ. Với người nông dân, đốt rơm rạ là biện pháp nhanh gọn nhất, phần tro tiếp tục được dùng để bón ruộng.
Nông dân thu gom rơm rạ lúc bình minh. Nhiều hộ nông dân tại Quảng Ngãi tận dụng nguồn nguyên liệu này để làm nấm, phân bón hay mang đem bán.
Cây cầu tre bắc ngang chi lưu con sông Trà Bồng, đoạn chảy qua xã Bình Dương, huyện Bình Sơn. Trà Bồng là con sông nổi tiếng Quảng Ngãi, được nhắc tới trong tác phẩm “Nhớ con sông quê hương” của nhà thơ Tế Hanh: “Quê hương tôi có con sông xanh biếc. Nước gương trong soi tóc những hàng tre”.
Cầu tre dẫn vào xóm Lân, bắc qua dòng sông Trà Khúc thuộc địa phận xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi. Cây cầu dài khoảng 200 m này sẽ được người dân trong xóm tháo dỡ khi mùa lũ về và chờ đến mùa nắng mới dựng lại.
“Cảnh nông thôn tĩnh lặng bên cầu tre xóm Lân đẹp như bức tranh thủy mặc. Đây là địa điểm thu hút nhiều nhiếp ảnh gia đến sáng tác. Nhiều bạn trẻ không thích xô bồ thành phố cũng tìm về vùng quê này để hít thở không khí trong lành”, anh Đoàn Vương Quốc, tác giả bộ ảnh chia sẻ.
Huỳnh Phương
Ảnh: Đoàn Vương Quốc