Đầm An Khê – Một di sản thiên nhiên quý báu
Đầm An Khê là đầm nước lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, nằm ở vùng ven biển Sa Huỳnh, giáp ranh giữa 2 xã Phổ Khánh và Phổ Thạnh (Đức Phổ), có diện tích mặt nước 347ha , chiều dài nhất đo được 3,5km, chiều rộng nhất chừng 1km. Đầm có nước quanh năm, mực nước nơi sâu nhất trong đầm là 4m.
Đầm nước lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi
Theo các nhà địa chất, đầm An Khê hình thành trong thời kỳ biển thoái sau biển tiến cực đại Flandrian 6.000-7.000 năm trước và trở thành đầm nước ngọt khoảng 3.000-4.000 năm cách ngày nay.
Báo cáo khoa học điều tra nhiễm mặn vùng ven biển tỉnh Quảng Ngãi, do Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ thực hiện năm 1998 cho biết, vào mùa mưa, nước trong đầm có độ mặn không đáng kể, nhưng về mùa khô An Khê trở thành một đầm nước lợ, độ mặn từ 0,3- 10‰.
Một góc đầm An Khê
Đầm An Khê có một lối thoát nước ra biển qua một lạch nhỏ dài khoảng 3km, gọi là cửa Lỗ, thường bị bồi lấp quanh năm. Vào mùa mưa lũ, khi nước trong đầm tích đầy thì dãi cát ở cửa Lỗ bị đẩy xa ra biển. Có năm người dân địa phương phải khơi thông cửa này cho nước thoát ra biển để tránh gây ngập vùng chung quanh.
Nước đầm An Khê là môi trường sống thích hợp của nhiều loài thủy sinh. Thủy sản sống trong đầm chủ yếu là các loài nước ngọt (cá diếc, cá thác lác, cá bống, cá chép, cá chình, cá trắm cỏ, cá mè, tôm, ốc, cá rô phi…). Đặc biệt ở đây có loài cá úc, song trong những năm gần đây đã dần trở nên khan hiếm. Nhóm cá biển với số lượng khá thấp sống trong đầm là các loài cá móm, cá đối, cá khế sáu sọc…
Đầm An Khê trong không gian văn hóa Sa Huỳnh
Có thể nói, đầm An Khê là một trong những điều kiện môi sinh quan trọng hình thành văn hóa Sa Huỳnh. Châu tuần quanh khu vực đầm An Khê là những di chỉ rất có giá trị của nền văn hóa Sa Huỳnh: Phú Khương, Thạnh Đức và Long Thạnh.
Các nhà khảo cổ học phương Tây, làm việc hoặc được sự bảo trợ của Trường Viễn Đông Bác Cổ (BEFEO) là những người có công rất lớn trong việc phát hiện ra di chỉ Phú Khương cũng như nền văn hóa Sa Huỳnh ẩn sâu trong lòng đất suốt nhiều ngàn năm.
Đó là M. Vinet (1909), Bà Labarre (1923), M. Colani (1934) và H. Parmentier- người chỉnh lý, nghiên cứu và công bố nhiều tài liệu về các cuộc khai quật ở Sa Huỳnh. “Un dépôt de Jarre” (một kho chum), “Dépôts de jarres à Sahuynh” (Kho chum Sa Huỳnh), “La Sahuynh Culture ” (Văn hoá Sa Huỳnh) là những thuật ngữ mà họ đã sử dụng đầu tiên, để dần dần đi đến định hình nền văn hóa Sa Huỳnh – một phát hiện quan trọng của khảo cổ học thế giới.
Bia ký Chăm ở Sa Huỳnh
Sự kiện năm 1909 tại Phú Khương đánh dấu thời điểm bắt đầu quá trình phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh, tính đến nay (2019) đã tròn 110 năm.
Chếch về phía Nam đầm An Khê, không xa gò Ma Vương, là di chỉ Thạnh Đức, nằm trên một cồn cát cổ, nay thuộc địa bàn thôn Thạnh Đức, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, phía đông giáp biển, phía tây giáp đầm nước mặn Tân Diêm.
Các hiện vật tìm thấy ở Thạnh Đức là quan tài chum gốm hình trụ kích thước lớn, cao gần 1m, trên có nắp đậy hình nón cụt. Niên đại tương đối của di tích khu mộ chum Thạnh Đức tương đương với Phú Khương, vào khoảng trước công nguyên một vài thế kỷ.
Cùng nằm ở phía Đông đầm An Khê và nhìn ra biển, nối tiếp về phía Nam dãi cồn cát Phú Khương, phía Bắc cồn cát Thạnh Đức là dãi cồn cát Long Thạnh, nay thuộc thôn Long Thạnh, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ.
Nếu như Phú Khương, Thạnh Đức là những di chỉ khiến giới khoa học nhắc đến công lao của nhiều nhà khảo cổ học phương Tây trong giai đoạn đầu của công cuộc phát hiện và nghiên cứu về văn hoá Sa Huỳnh, thì di chỉ Long Thạnh lại cho thấy các nhà khảo cổ học Việt Nam đã kế thừa xuất sắc thành tựu của các đồng nghiệp tiền bối, đồng thời có cống hiến lớn góp phần khẳng định nguồn gốc nội sinh của văn hoá Sa Huỳnh.
Không chỉ là văn hóa Sa Huỳnh
Không chỉ có những di chỉ văn hóa Sa Huỳnh, quanh khu vực đầm An Khê, đã và đang tồn tại nhiều di sản tự nhiên và văn hóa vô cùng phong phú.
Cách đầm An Khê không xa, là Vũng Bàng- một vũng biển có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, thuộc thôn Thạnh Đức 1, xã Phổ Thạnh. Tại đây, lô nhô trên cạn, dưới biển là những khối đá lớn màu xám sẫm, nổi bật giữa màu biển xanh và cát vàng. Trên bờ biển, phía tây bắc có tảng đá cao chừng 2m, mặt đá phía nam (ngang 1,2 m, dọc 1,5 m), hơi nghiêng và khá phẳng. Người xưa đã khắc lên đó 10 dòng chữ Chăm cổ, vẫn còn nhìn khá rõ.
Tiếp liền Vũng Bàng về phía tây bắc (đông nam đầm An Khê) là con đường lát đá cổ băng qua một ngọn núi mà dân cư quanh vùng gọi là núi Bồ. Ngọn núi này lại có con suối quanh năm chảy băng rừng đổ ra biển.
Dọc theo con suối có khoảng 10 giếng cổ mà các nhà nghiên cứu xác định là giếng của người Chăm. Các giếng này vốn kè đá và có hình vuông, nhưng về sau người Việt gia cố thành giếng tròn, hoặc dưới đáy hình vuông, phần trên hình tròn. Đây là những giếng quanh năm không cạn, nước ngọt mát và không bị nhiễm mặn, dù nằm sát biển.
Không xa bia đá, bên cửa biển Sa Huỳnh là một miếu thờ có tên miếu Bà, dấu vết dung hợp tín ngưỡng thờ Bà Mẹ xứ sở (Pô I nư Naga) của người Chăm và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Phía bắc đầm An Khê, tại thôn Phú Long (xã Phổ Khánh) còn có vết tích của một cây cầu bằng đá, gọi là cầu đá Phú Long, công trình của người Chăm cổ.
Vũng biển, bia đá, miếu thờ, con đường kè đá cùng với sự xuất hiện những giếng Chăm với mật độ khá dày, cho phép chúng ta hình dung về một khu vực cư trú của người Chăm cổ. Họ sống trên sườn núi để tránh triều dâng, sống bằng nghề săn bắn, hái lượm nguồn lợi trên rừng, đánh cá dưới biển, khai thác nguồn nước ngọt tại chỗ để bán cho những thương thuyền qua lại quanh vùng.
Vài dòng kết luận
Từ những trình bày sơ lược như trên, có thể thấy đầm An Khê là một di sản thiên nhiên- khảo cổ đặc biệt giá trị.
Gò Ma Vương
Đặc biệt, vì đầm nước này trong quá khứ là một bộ phận hữu cơ của hệ sinh thái Sa Huỳnh, mang lại những điều kiện cần thiết cho cuộc sống của cư dân bản địa, góp phần hình thành và phát triển nền văn hóa Sa Huỳnh- một trong 3 nền văn hóa cổ đã từng tồn tại trên đất nước Việt Nam, có quan hệ rộng với nhiều vùng trong khu vực Đông Nam châu Á.
Đặc biệt, vì trong hiện tại, đầm An Khê vẫn giữ vai trò quan trọng trong hệ sinh thái hội tụ núi- rừng- đầm (nước ngọt) – dãi cát ven biển và biển (nước mặn), vừa giúp con người đương tại hình dung sinh cảnh của con người từng tồn tại nơi đây nhiều ngàn năm trước, vừa là một bộ phận hợp thành cảnh quan thiên nhiên độc đáo của vùng đất- biển Sa Huỳnh – một địa danh nổi tiếng cả nước, được khá nhiều nhà khoa học, nhà du khảo trên thế giới từng đặt chân đến để tìm hiểu, nghiên cứu suốt hơn 100 năm qua.
Lê Hồng Khánh/Báo Quảng Ngãi