“Chuyện lạ” về trường nghề ở Quảng Ngãi

Trong khi sinh viên nhiều trường cao đẳng, đại học loay hoay tìm kiếm nghề sau tốt nghiệp thì tại trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất, sinh viên vẫn được nhận lương khi đi thực tập. Đến khi tốt nghiệp sẽ được hoàn trả học phí nếu không tìm được việc làm.

Từ “hiện tượng lạ” cam kết đầu ra

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tây – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kỹ nghệ (CĐKN) Dung Quất chia sẻ: “Giai đoạn trước, trường cũng đào tạo nghề như những nơi khác, nhưng thực tế là sinh viên đào tạo ra không đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị tuyển dụng. Thật xót xa khi nghe một doanh nghiệp bảo rằng “Quảng Ngãi có cái chúng tôi cần, cái chúng tôi cần Quảng Ngãi không có”. Và đó cũng chính là động lực đòi hỏi trường phải thay đổi”.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tây – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất
Nói là làm, từ năm 2007, trường bắt đầu đưa vào áp dụng thay đổi phương pháp theo hướng dạy thực chất, không chạy theo số lượng, trang bị kỹ năng, thái độ cho công nhân. Đồng thời, chương trình dạy thực hiện theo kiểu kết hợp giữa lý thuyết và thực hành ngay tại chỗ. Các giáo viên cũng thường xuyên được đào tạo, nâng cao trình độ ở nước ngoài.
“Đáng chú ý là chương trình đào tạo tại trường nghề này được cân chỉnh dựa theo sự góp ý của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngay tại khu kinh tế (KKT) Dung Quất. Cần thiết nhất trong đào tạo nghề chính là thái độ, kỹ năng, kiến thức cho sinh viên, đảm bảo thực hiện xuyên suốt mục đích đào tạo nghề cho học viên là “có việc làm, làm được việc”, ông Tây nói.
Bên cạnh việc ký đặt hàng đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp tại KKT Dung Quất, KKT mở Chu Lai, hiện tại trường cũng triển khai đào tạo các sinh viên theo chuẩn quốc tế.
Em Đỗ Việt Hùng – sinh viên lớp cao đẳng chất lượng cao, cấp độ quốc tế theo chương trình chuyển giao từ Cộng hòa liên bang (CHLB) Đức cho hay: “Em đã ký cam kết với nhà trường, và vừa học được 1 học kỳ. Học xong, em sẽ đủ điều kiện làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài hoặc doanh nghiệp của Đức ở Việt Nam và ngay tại nước Đức”.
Chương trình dạy thực hiện kết hợp giữa lý thuyết và thực hành ngay tại chỗ
Tháng 8/2015, trường bắt đầu thực hiện cam kết hoàn trả học phí cho sinh viên nếu không tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Đây được xem là “hiện tượng lạ” ở Quảng Ngãi và cũng là một trong số hiếm hoi các trường trong cả nước dám “cam kết” đầu ra.
“Qua khảo sát và thực tế thì các sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm và chưa có trường hợp nào chúng tôi phải trả lại học phí. Chỉ có khoảng 2 – 3% sinh viên có vấn đề về sức khỏe nhưng sau khi được điều trị cũng tìm được việc làm phù hợp. Nhiều sinh viên khi đi thực tập cũng được các doanh nghiệp trả lương”, ông Tây chia sẻ.
Liên tiếp từ năm 2015 đến nay, sinh viên ra trường đều có việc làm mới mức thu nhập tối thiểu từ 6 – 8 triệu đồng/tháng. Hiện tại, nhiều sinh viên tuy còn đang học tại trường nhưng nhờ có tay nghề tốt nên bước vào năm đào tạo thứ 2, khi đi thực tập tại các doanh nghiệp vẫn được nhận lương với mức trung bình từ 150.000 – 200.000 đồng/ngày.

Đến tiên phong thực hiện mô hình đột phá

Hiện tại, trường CĐKN Dung Quất là một trong số ít các trường được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho phép thực hiện thí điểm 9+4, đây là mô hình mang tính đột phá ở khu vực miền Trung.
Trường CĐKN Dung Quất là một trong số ít các trường được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho phép thực hiện thí điểm mô hình 9+4
Giải thích mô hình này, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tây – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất cho biết: “Đây là mô hình có đầu vào là cấp 2, tức học sinh học hết lớp 9, đầu ra cao đẳng nghề. Trường đang có 2 lớp với 60 sinh viên được đào tạo theo mô hình này, vừa đào tạo văn hóa, vừa đào nghề theo kiểu: “Sáng cầm bút, chiều cầm cờ lê”. Trong đó, chương trình dạy nghề sẽ được trải đều trong 4 năm thay vì 2 năm nhưng các lớp cao đẳng nghề thông thường. Đây là cách đào tạo nhân lực, kỹ sư thực hành ra làm việc ngoài xã hội một cách nhanh nhất”.
Thực tế, với những học sinh học hết lớp 9 khi đã đi học nghề thường sẽ rơi vào những học sinh có học lực trung bình, nhưng lại có nhu cầu học nghề để tìm việc làm. Tuy nhiên, nếu đào tạo văn hóa và đào tạo nghề ở bậc trung cấp thì khi ra tìm việc làm chưa chắc các em đã được trang bị đầy đủ các kỹ năng thuần thục, nhất là trong thời kỳ phát triển công nghệ 4.0 nếu học sinh không được đào tạo bài bản, sẽ rất khó để cạnh tranh ở những vị trí việc làm tốt. Vì vậy, theo hiệu trưởng trường CĐKN Dung Quất, mô hình đào tạo 9 + 4 sẽ cơ bản giải quyết được bài toán trình độ đào tạo.
Được biết, trường CĐKN Dung Quất là 1 trong 7 trường trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH, được Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH đã chỉ đạo “Trường CĐKN Dung Quất phải là trường mẫu mực của Ngành”. Vào tháng 8/2019 vừa qua, Trường CĐKN Dung Quất cũng đã được công nhận đạt chuẩn theo chất lượng giáo dục nghề nghiệp CHLB Đức.
Theo Kinhtedothi

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button